Những bức ảnh cổ xưa nhất của Sài Gòn vào 150 năm trước

Năm 1859, quân Pháp chiếm được thành Gia Định, chỉ 6-7 năm sau đó, đã có những tấm ảnh đầu tiên của Sài Gòn được nhiếp ảnh gia người Pháp ghi lại để ngày nay chúng ta có thể nhìn được cảnh vật và những con người sống cách đây nhiều thế hệ. Những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đầu tiên ghi lại hình ảnh nước Việt vào thế kỷ 19, có thể kể đến Émile Gsell và John Thomson từ năm 1866, trước đó vài năm là Pun Lun, sau đó là Aurélien Pestel từ thập niên 1880. Đầu thế kỷ 20 bắt đầu có những nhiếp ảnh gia người Việt nổi tiếng, tiêu biểu nhất trong số đó là ông Khánh Ký và Võ An Ninh. Nhiếp ảnh gia đầu tiên chụp hình đất Việt là một người Hoa tên là Pun Lun. Tuy nhiên người nổi tiếng và chụp nhiều nhất là Émile Gsell, sinh năm 1838 tại Pháp. Ngay từ khi Pháp bắt đầu quy hoạch và xây dựng Sài Gòn, Émile Gsell đã có mặt ở đây với tư cách là nhân viên quân sự còn rất trẻ, có niềm đam mê nhiếp ảnh – một lĩnh vực chỉ vừa mới được phát minh hơn 30 năm trước đó. Năm 1866, Émile Gsell được sĩ quan người Pháp là trung tá Ernest Doudart de Lagrée tin tưởng cho tham gia cuộc thám hiểm Mekong để ghi lại những hình ảnh trong chuyến đi, trong đó những hình ảnh khu đền Angkor hoang phế đã làm cho Gsell nổi tiếng, chính thức đưa ông bước vào con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Trong cùng năm 1866, sau khi trở về từ chuyến thám hiểm, Emile Gsell thực hiện nhiều bức ảnh về Sài Gòn và vùng phụ cận, với cảnh quan và sinh hoạt của người Sài Gòn trong những năm đầu tiên trở thành thuộc địa của Pháp.

Nhận xét